Mùa Xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương), một cao trào cách mạng với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ. Cao trào cách mạng 1930 – 1931 được đánh dấu bởi cuộc biểu tình của công nhân Vinh – Bến Thủy phối hợp với nông dân ở vùng phụ cận vào ngày 1/5/1930.
Xô viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong cả nước, là cuộc đấu tranh giai cấp rung trời chuyển đất của quần chúng công nông Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ Vinh – Bến Thủy phong trào lan rộng khắp các địa phương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi. Từ Nghệ Tĩnh, phong trào được cả 3 miền Bắc – Trung – Nam hưởng ứng. Từ tháng 5 đến tháng 12/1930 đã có 58 cuộc bãi công, biểu tình của công nhân và 218 cuộc biểu tình của nông dân trong toàn quốc. Cùng với các cuộc bãi công, biểu tình của công nhân, nông dân là các cuộc bãi khóa của học sinh, bãi thị, biểu tình của giới phụ nữ.
Phong trào cách mạng 1930 – 1931 lên đến đỉnh cao vào các tháng 8 và 9/1930 khi ở một số làng xã ở Nghệ An – Hà Tĩnh xuất hiện tình thế chưa từng có. Trước sức mạnh của các cuộc đấu tranh của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, hào lý ở các làng xã này buộc phải bỏ chạy, bộ máy thống trị thực dân, phong kiến ở đây tan rã. Các xã bộ nông – một tổ chức của nông dân đứng ra gánh vác trách nhiệm quản lý hành chính như một hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức chính quyền, được gọi là Xô Viết nông thôn.
Bộ máy thống trị của thực dân Pháp và triều đình tay sai nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn áp phong trào, riêng ở Nghệ Tĩnh, chúng đã tiến hành khủng bố trắng. Từ tháng 5 đến tháng 12/1930 có 649 nông dân bị giết, 83 chiến sỹ cách mạng bị tử hình, 696 người bị kết án 3.390 năm tù. Riêng ở nhà lao Vinh có 1.359 tù chính trị bị giam cầm và tra tấn.
Điển hình cho hành động khủng bố trắng của chính quyền thuộc địa là cuộc thảm sát người biểu tình ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên. Thực dân Pháp đã điều động máy bay ném bom vào cuộc biểu tình của 10.000 nông dân Hưng Nguyên và hàng ngàn nông dân Nam Đàn đến hợp sức. Hơn 200 nông dân biểu tình đã chết vì bom. Ngày 12/9, được chọn làm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày của tinh thần quật khởi và của sự hi sinh xương máu của Nghệ Tĩnh đỏ.
Cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng, đường lối cứu nước, cứu dân đúng đắn đã được mọi tầng lớp nhân dân ta, được toàn dân tộc Việt Nam thừa nhận là ngọn cờ lãnh đạo để dành lại độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân.”
Giai cấp công nhân Việt Nam dẫu còn non trẻ nhưng được giác ngộ về lý luận khoa học và cách mạng nên đã trưởng thành nhanh chóng, đảm nhận vai trò cách mạng tiên phong, lãnh đạo toàn dân tộc trên con đường tự giải phóng.
Giai cấp nông dân Việt Nam với ý thức dân tộc ngàn đời đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đứng lên đấu tranh, xứng đáng là đội quân chủ lực của cách mạng, cùng đội tiên phong tạo nên nòng cốt cho khối đoàn kết toàn dân làm nên sức mạnh cực kỳ to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại mới.
Cao trào cách mạng với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam ngay sau ngày thành lập Đảng, để lại cho Đảng ta cho nhân dân ta những bài học quý báu. Đó là bài học về tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, tổ chức quần chúng đưa quần chúng vào các hoạt động đấu tranh cách mạng. Bài học về xây dựng khối liên minh công – nông làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết toàn dân. Bài học đưa ra các khẩu hiệu đấu tranh về xác định mục tiêu đấu tranh cụ thể, về những sách lược để biết công lại biết thủ, biết tiến và biết thoái. Và bài học về cách mạng phải biết tự bảo vệ.
Những khẳng định lịch sử và những bài học quý báu mà Cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh tạo ra, để lại chính là “vốn” tri thức cách mạng từ thực tiễn, là “hành trang” để Đảng ta và nhân dân ta bước vào các thời kỳ cách mạng tiếp theo: Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, thời kỳ Mặt trận dân tộc phản đế, thời kỳ Mặt trận Việt Minh tiến tới tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong cả nước đưa cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ách thống trị thuộc địa hơn 80 năm, ách thống trị phong kiến ngàn năm đã bị lật đổ. Nước nhà được độc lập mở đường để dân ta được hưởng tự do, hạnh phúc.
Lịch sử thời hiện đại của nhân loại đã ghi nhận 3 cuộc cách mạng xã hội điển hình. Đó là cách mạng tư sản Pháp 1789, cuộc cách mạng đánh dấu sự chấm dứt của thời phong kiến trong cơ sở mở đầu của xã hội tư bản. Đó là cách mạng tháng Mười Nga 1917, cuộc cách mạng mở đầu cho thời đại mới, thời đại quá độ từ Chủ nghĩa Tư bản lên Chủ nghĩa Xã hội. Và đó là cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, cuộc cách mạng mở đầu cho sự chấm dứt của chế độ thuộc địa, mở đầu cho thời đại độc lập của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Tầm vóc và ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám 1945 đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia dân tộc để mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại, quốc tế.
Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam không chỉ là cuộc cách mạng điển hình mà còn là cuộc cách mạng mẫu mực về mọi phương diện. Đó là:
Mẫu mực về tư tưởng và ý chí: Đem sức ta mà giải phóng cho ta. Dẫu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Mẫu mực về tập hợp và đoàn kết tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của quá khứ và hiện tại; Kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Mẫu mực về kết hợp khoa học cách mạng với nghệ thuật cách mạng trong chuẩn bị thời cơ, đón thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ khi nó đến.
Mẫu mực về sự chỉ đạo và tầm nhìn cực kỳ sáng suốt ở cấp chiến lược đi liền với đó là tính chủ động sáng tạo, năng động linh hoạt ở cấp thấp nhất của cách mạng, tức là ở chính ngay từng làng, xã, bản, buôn. Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và sau đó là việc có rất nhiều địa phương đã khởi nghĩa giành chính quyền trước khi có mệnh lệnh của cấp trên là minh chứng cụ thể.
Mẫu mực về lòng bao dung của một cuộc cách mạng mà lợi ích của dân tộc, của đất nước được coi là trên hết, là trước hết. Việc Vua Bảo Đại thoái vị với câu nói: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Và sau đó Bảo Đại còn được làm cố vấn tối cao của chính phủ mới, quả là một việc có một không hai, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cách mạng thế giới.
Tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 đã diễn ra gần như đồng loạt trong cả nước và là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất là trong lịch sử, lại là cuộc cách mạng mà thành quả trực tiếp nhất là chính quyền phải trải qua thời gian dài nhất (30 năm) và phải hi sinh nhiều xương máu nhất để giữ chính quyền vừa giành được.
Chỉ 15 năm sau ngày thành lập Đảng, 15 năm sau cuộc tổng diễn tập của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được chính quyền. Song lại cần đến 30 năm chiến đấu, hi sinh dân tộc ta mới giữ được chính quyền. Và, với chính quyền đã giành được, đã giữ được, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã, đang và còn phải nỗ lực cao hơn, phấn đấu nhiều hơn để đi tới tự do, hạnh phúc để thực hiện toàn vẹn điều mong mỏi cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Nguồn CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH NGHỆ AN
0 Comment on this Article