Ngồi đối diện với tôi là ông Lê Văn Hồng, một người giàu có, nổi tiếng ở thành Vinh, chủ nhân Cung lễ hội “đẳng cấp” nhất khu vực Bắc miền Trung và siêu xe Limousine đắt đỏ. Là một đại gia, làm chủ khối tài sản kếch xù nhưng nom ông lúc nào cũng như nông dân, dáng vẻ tất bật, quần xắn ngang gối và thỉnh thoảng rít thuốc lào sòng sọc.
Thuở hàn vi
Ông Hồng sinh năm 1958, quê ở xóm Ao Chùa (nay là phường Hưng Bình, TP Vinh). Cha làm thợ nề, mẹ làm công nhân sợi may mặc. Khoảng 6 tuổi Lê Văn Hồng theo cha rời Vinh lên huyện miền núi Tân Kỳ sơ tán.
“Nhà nghèo, tôi chỉ học được đến lớp 7 rồi bỏ, chữ nghĩa lõm bõm, xác định suốt đời vác bai theo cha đi làm thợ xây hoặc cửu vạn bốc vác kiếm ăn lần hồi, chứ không nghĩ có ngày hôm nay!”, ông Hồng nhớ lại.
Những năm đói kém, người cha tuy suốt ngày vật lộn với vôi vữa nhưng tính tình phóng khoáng, cưới 3 lần vợ. Năm 18 tuổi Lê Văn Hồng khăn gói trở lại đất Vinh, chẳng có nghề ngỗng gì.
Những ngày “lang thang cơ nhỡ” ở Tam Giác Quỷ, địa danh tụ tập dân tứ chiếng một thời giáp phường Lê Lợi – Quang Trung – Hưng Bình, Lê Văn Hồng tình cờ gặp Nguyễn Thị Minh, cô gái phụ giúp mẹ bán cháo đêm. Gánh cháo tạm bợ che bằng lá cọ vạ vật trên đường thiên lý Bắc Nam, cô hàng cháo “thấp bé nhẹ cân” miệng luôn tươi cười đon đả chào mời và nồi cháo thơm lừng, nghi ngút khói, khiến gánh cháo nườm nượp khách. Thiếu nữ bán cháo không phải là người có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, nhưng tính tình thật thà chất phác, mắt buồn sâu thẳm khiến gã trai vô công rồi nghề chết mê chết mệt. Bố tiếp tục vác bay đi theo công trình, Lê Văn Hồng nhẩn nha chơi bời và thỉnh thoảng nổi máu yêng hùng đánh nhau với hội bến xe Vinh. gã hầu như cắm chốt ở quán cháo lòng từ sáng đến tối. Thi thoảng, gã lại xắn tay giúp cô hàng cháo xách xô nước, thu tiền bán cháo. Thấy Hồng điển trai vừa có nét “dân anh chị”, vừa chịu khó, siêng năng, cô hàng cháo mủi lòng lúc nào chẳng hay.
“Xuất thân nghèo hèn, lấy được vợ, thời đó mua được cái xích lô kiếm cơm là may mắn lắm rồi”.
Ông Lê Văn Hồng
“Thật lòng mà nói, những năm đó đói… vêu mồm! Bọn tớ hẹn hò, tòm tem, thế rồi Minh có thai. Bụng to kềnh phải cưới thôi! Khổ nỗi, muốn lấy vợ mà không có tiền mua kẹo bánh để làm đám cưới, tôi cầm tay dắt phéng cô ấy về nhà, vậy là thành vợ chồng”, Lê Văn Hồng kể.Năm 1980, họ có một đứa con trai. Sau lần sinh hạ đầu tiên, vợ ông tiếp tục mang bầu nhưng trong một lần bị thanh tra đô thị rượt đuổi cùng gánh cháo, chạy trối chết, bà Minh bị ngã, sảy thai và từ đó không thể sinh con được nữa. Hàng ngày, Lê Văn Hồng phụ giúp vợ bán cháo lòng, bám mặt đường sinh nhai. Nhưng cứ quanh quẩn với hàng cháo mãi cũng… chán, ông Hồng tính chuyện đi buôn. Ði buôn cần có vốn. Bí tiền, Lê Văn Hồng bàn với vợ mua chiếc xích lô làm “cần câu cơm”.
Năm đói kém, với đôi vợ chồng nghèo chiếc xích lô là niềm mơ ước. Nghĩ nát óc chẳng xoay được tiền mua xích lô, ông bàn với vợ bán đôi hoa tai, của hồi môn đáng giá nhất khi bà Nguyễn Thị Minh về nhà chồng. Ðôi hoa tai bằng vàng là cả một kho kỷ niệm. Ban đầu vợ tôi cứ khóc thút thít, dứt khoát không chịu bán. “Ðây là quà tặng của mẹ khi em về nhà chồng, bán đi, có lỗi với mẹ”, vợ ông bảo. Lê Văn Hồng ra sức năn nỉ, thuyết phục, bảo bán để kiếm vốn làm ăn chứ có phải chơi bời tiêu pha gì đâu, mai này khấm khá mua đôi khác, cuối cùng vợ ông xuôi tai nghe theo, gỡ đôi hoa tai giao cho chồng mang ra tiệm vàng lấy tiền mua xích lô.
Bỏ lại lũ bạn vô công rỗi nghề, chia tay những tháng ngày vô vị, Lê Văn Hồng bám mặt đường, nai lưng đạp xe. “Hàng ngày, tôi thức dậy lúc 4-5 giờ sáng, đánh xe ra bến xe, ga Vinh đón khách, tối mịt mới về nhà. Mệt rã rời nhưng trong lòng rất vui vì tự mình kiếm được tiền nuôi sống gia đình”, ông Hồng nhớ lại. Mùa hè bỏng rát giữa thành Vinh nắng rực lửa, gió Lào khô hanh thông thống thổi héo ngọn tre, nóng như nung khiến mặt đường nhựa chảy nước nhưng Lê Văn Hồng vẫn phải phơi mình dưới trời chang chang nắng, còng lưng đạp xích lô. Những ngày đông giá rét, khi người khác cuộn mình trong chăn ấm thì “gã xích lô” vẫn run rẩy nép mình nơi sân ga, bến xe ngóng tìm khách, nhặt từng đồng tiền lẻ nhàu nát. “Xuất thân nghèo hèn, lấy được vợ, thời đó mua được cái xích lô kiếm cơm là may mắn lắm rồi”, Lê Văn Hồng nói.
Trời không phụ lòng ngườiRòng rã gần 10 năm (1981-1990), trên chiếc xích lô cà tàng, Lê Văn Hồng còng lưng đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm thành Vinh trong khi vợ ông vẫn bám trụ với gánh cháo lòng sinh nhai. Hai vợ chồng tằn tiện, gom góp đồng tiền kiếm được từ chính sức lao động, từ mồ hôi nước mắt của mình, năm 1991 vợ chồng ông mua lại mảnh đất của HTX phường Lê Lợi tại ngã tư ga Vinh, dựng lều mở quán. Bà Nguyễn Thị Minh tuy không được học qua trường lớp về bếp núc, không rành về ẩm thực, nhưng lại là người nấu ăn ngon và có duyên bán hàng.
Từ “gánh cháo lòng gia truyền” của bà ngoại để lại, hai vợ chồng chuyển sang cơm bình dân. Hàng cơm mang tên Minh Hồng cạnh ngã Ba ga Vinh khách đông nghìn nghịt. Thuận buồm xuôi gió và kiếm được thêm vốn, vợ chồng ông đầu tư nâng cấp lên nhà hàng. Nhà hàng Minh Hồng, với những món ăn đặc sản xứ Nghệ trở nên nổi tiếng với hai món chủ công: Cá hấp, lươn Vinh om chuối.
Lao động cật lực suốt 20 năm, vợ chồng Minh Hồng đã có trong tay một số vốn kha khá. Một ngày cuối năm 2009, ông gọi điện hỏi tôi: “Tớ định xây công trình cung lễ hội phục vụ hội nghị, đám cưới và kinh doanh nhà hàng. Ðầu tư lớn, cậu thấy có… ổn không?”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi thật thà góp ý: “Bác vất vả từ khi cha sinh mẹ đẻ, cơ cực thời xích lô cháo lòng, giờ có tý tiền, tuổi cao rồi cũng nên thụ hưởng!”. Nghe xong ông bảo: “Làm lụng tay chân đã quen giờ ngồi chơi cũng chán, không khéo đâm ra hư, thôi thì cứ làm cho vui!”.
Tưởng “làm cho vui”, ai dè ông bỏ ra gần 100 tỷ làm thật. Năm 2010 khởi công, năm 2013 khánh thành cung lễ hội Minh Hồng trên đường Nguyễn Trãi. Tòa nhà hai tầng nguy nga tráng lệ kiến trúc kiểu Pháp với diện tích hơn 3.000m2 mặt sàn, gần trăm nhân viên, đủ chỗ phục vụ cùng một lúc cho 3.000 thực khách. Tôi choáng!
Năm rồi, Lê Văn Hồng lại “gây bão” tại thành Vinh khi rinh về siêu xe Limousine Chrysler 300 đắt đỏ. Chiếc xe màu trắng bóng lộn, dài thườn thượt (gần 9m), rinh về làm gì vậy?
“Có lần sang Mỹ, thấy siêu xe chuyên đưa đón các ngôi sao, tôi nghĩ giá như mua được cái thì tốt. Cứ mua về phục vụ đám cưới”, ông Hồng bảo. Xe mua tại Sài Gòn, vận chuyển bằng đường biển ra Hải Phòng rồi theo quốc lộ về Vinh. Hỏi xe này giá mấy tỷ? Lê Văn Hồng chỉ tủm tỉm cười, không nói…
Theo tienphong.vn
0 Comment on this Article