Theo ngành nông nghiệp Nghệ An, hơn 600 hồ đập chứa nước lớn nhỏ ở tỉnh này chỉ có mực nước đạt từ 50-60% dung tích thiết kế do lượng mưa thấp khiến nhiều khu vực có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.
Hồ chứa nước Vệ Nông ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An khô nước. Trâu bò tha thẩn gặm cỏ trên hồ – Ảnh: D.Hòa chụp ngày 3-4 |
Ngày 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ ông Hoàng Nghĩa Hiếu, phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết thông tin trên.
“Mùa mưa năm 2015 lượng mưa ở Nghệ An chỉ đạt từ 40-60% so với các năm trước khiến mực nước ở các hồ đập ở tỉnh chỉ đạt từ 50-60% so với dung tích thiết kế, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn đang hiện hữu nếu trong những ngày tới không có mưa”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, Nghệ An có hơn 625 hồ chứa lớn nhỏ nhưng mực nước trong tất cả các hồ đều đang xuống thấp. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, chỉ có 17 hồ đạt mức nước trên 70%. Có 3/50 hồ chứa do các doanh nghiệp quản lý chỉ đạt từ 35-50% dung tích. Các hồ do địa phương quản lý dung tích hồ chỉ đạt 40 – 60 % dung tích thiết kế.
Ông Lê Văn Cường, phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy lợi Bắc cho biết, công ty quản lý 19 hồ tưới phục vụ nước tưới cho diện tích 5.600 hecta lúa ở 4 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương.
Tuy nhiên trong năm qua lượng mưa ít nên các hồ mức nước đạt thấp. Chỉ có 3 hồ chứa đạt dung tích thiết kế, 7 hồ chứa đạt dung tích 50-60%, 9 hồ chứa đạt từ 30-35%.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công văn khẩn yêu cầu các sở, ban ngành và UBND 21 huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Theo đó, các địa phương cần có phương án chống hạn cho từng vùng, cân đối nguồn nước để cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, quản lý chặt chẽ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chủ động phòng, chống cháy rừng trong điều kiện thiếu nước và nắng nóng, khô hạn kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng phục vụ sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy điện và các công ty thủy lợi trong việc điều tiết, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước xả của hồ thủy điện Bản Vẽ để phục vụ sản xuất.
“Trong trường hợp các hồ chứa nước cạn kiệt không đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi thì chúng tôi sẽ yêu cầu các hồ thủy điện trên sông Lam có lịch điều tiết, xả nước phù hợp để chống hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Hiếu cho biết thêm.
Theo tuoitre.vn
0 Comment on this Article