Hầu hết thương vụ đầu tư của người Thái đều nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam, với giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Hầu hết thương vụ đầu tư của người Thái đều nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam, với giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Vài năm trở lại đây, hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng được các doanh nghiệp đến từ Thái Lan đẩy mạnh.
Những cái tên nổi tiếng tại thị trường Việt Nam gần đây như Central Group của gia tộc tỷ phú Chirathivat, TCC Holdings và F&N của tỷ phú Charoen hay Singha… đã và đang thâu tóm nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Sở hữu cổ phần 2 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Việt Nam
Trong số các đại gia Thái Lan, người rót nhiều tiền nhất vào trường Việt Nam phải kể đến tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 3 Thái Lan hiện nay, với khối tài sản ròng hơn 19,1 tỷ USD (theo Forbes), ông chủ của TCC Holdings.
Thông qua TCC Holdings, tỷ phú này đang sở hữu nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ ở Việt Nam, với giá trị hàng tỷ USD từ bán lẻ, đồ uống cho tới bất động sản.
Mới đây nhất, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần bia Sài Gòn – Sabeco. Doanh nghiệp của tỷ phú người Thái này đã trở thành cổ đông chi phối hoạt động của công ty nắm 41% thị phần tiêu thụ bia Việt Nam.
Thông qua một pháp nhân Việt Nam, người Thái đã nắm quyền chi phối hoạt động của bia Sài Gòn.
Ngoài ra, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments (2 đơn vị thuộc Tập đoàn F&N của Singapore nhưng đã bị TTC Holdings mua lại), người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam.
Số cổ phần do F&N nắm giữ tại Vinamilk hiện có giá thị trường tới hơn 56.000 tỷ đồng. F&N vẫn không ngừng đăng ký mua thêm cổ phiếu VNM để nâng sở hữu.
Vinamilk và Sabeco đang là 2 doanh nghiệp có vốn hóa xếp thứ nhất và thứ hai tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng người Thái đã nắm quyền kiểm soát Sabeco và là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk.
“Cánh tay” bao trùm của tỷ phú Thái
Năm 2015, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) – một đơn vị của TCC Holdings, đã gây chú ý trên thị trường khi thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) sau gần 2 năm theo đuổi.
Để trở thành ông chủ của hệ thống bán lẻ này ở Việt Nam, doanh nghiệp đến từ Thái Lan phải chi 655 triệu EURO, tương đương hơn 879 triệu USD, theo tỷ giá thời điểm đó.
Từ năm 2013, cũng chính Berli Jucker đã thâu tóm 64,55% cổ phần của Phú Thái Group, thông qua sở hữu 65% vốn cổ phần của CTCP Thái An Việt Nam – đơn vị nắm giữ trực tiếp hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group.
Đây cũng là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc, với hàng chục công ty thành viên.
“Cánh tay” của tỷ phú người Thái đã bao trùm ra nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam. Thông qua TTC Land – thuộc sở hữu của TCC Holdings, tỷ phú Thái đang sở hữu 65% cổ phần tại Khách sạn Melia Hà Nội, một khách sạn lớn nằm tại vị trí đắc địa ở thủ đô.
Cao ốc văn phòng Melinh Point Tower TP.HCM hiện nay cũng thuộc quyền sở hữu của người Thái, thông qua F&N với tỷ lệ sở hữu tới 75%.
Trong năm 2016, thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL) của mình, ông Charoen mua lại 70% cổ phần của CTCP phát triển nhà G Homes – công ty thành viên của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR), đơn vị sở hữu Dự án Thảo Điền tại TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Người Thái đã rót hàng tỷ USD vào Việt Nam
Ngoài tỷ phú Chareon, hàng loạt đại gia Thái Lan khác cùng đã vung tiền thâu tóm các doanh nghiệp Việt.
Tháng 4/2016, Central Group – thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat, đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam, với giá 1,14 tỷ USD.
Cạnh tranh với Central Group trong thương vụ này là hàng loạt các tên tuổi bán lẻ hàng đầu khác như TCC Holding, Aeon, Lotte… và đại diện của Việt Nam Saigon Co.op, nhưng không ai có thể đưa ra mức giá như Central Group.
Bangkok Post dẫn lời ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central Group, chia sẻ lý do chi hơn 1 tỷ USD thâu tóm BigC, vì Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng lớn, đã và đang trở thành thị trường mục tiêu hứa hẹn cho các nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan.
Trước đó, cũng chính Central Group, thông qua PV Power, đã chi hơn 200 triệu USD mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vào năm 2015.
Tập đoàn này cùng với Nguyễn Kim cũng mua lại Zalora Việt Nam (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet).
Masan cũng là một trong số doanh nghiệp có sự hiện diện của người Thái trong cơ cấu sở hữu.
Năm 2016, Singha Group, tập đoàn sản xuất bia đến từ Thái, đã chi 1,1 tỷ USD để trở thành đối tác chiến lược của Masan, thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33,3% cổ phần Masan Brewery.
Hàng loạt doanh nghiệp Việt khác đã bị người Thái mua lại hoặc thâu tóm một phần, như Xi măng Holcim, giấy Cellox, công ty sản xuất đậu phụ Ichiban…
Nguồn: Zing News
0 Comment on this Article