Thêm 7 hộ gia đình đồng loạt khóa chặt cửa nhà, trốn khỏi địa phương, để lại số nợ khoảng trên 80 tỉ đồng. Các chủ nợ tràn đến tháo dỡ đồ đạc trong nhà con nợ, rồi đổ xô truy tìm con nợ. Cả một miền quê vốn thanh bình, yên ả nay rúng động bởi phường hụi. Đó là thực tế đang diễn ra tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Điểm mặt các con nợ
Nhà của con nợ Trần Văn Mạnh – Hồ Thị Sáng |
Theo Công văn số 963/CV-CAH của Công an huyện Quỳnh Lưu: Bà Trần Thị Xoan (SN 1981), chồng là Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977) – công dân xóm 13, xã Quỳnh Thanh bắt đầu tổ chức thành lập phường hụi từ năm 2009 và sau đó tiến đến nhận tiền gửi của 135 hộ với tổng số tiền tự khai là 19.525.000.000 đồng.
Trần Thị Thanh (SN 1983) cùng chồng là Bùi Kính (SN 1978) trú tại xóm 9, cùng xã nhận tiền của 29 hộ với số tiền 9.032.000.000 đồng. Trần Thị Yến (SN 1984) cùng chồng là Nguyễn Bá Triều (SN 1976) trú tại xóm 7 nhận tiền của 46 hộ với số tiền 5.834.200.000 đồng…
Tất cả các trường hợp trên đều cùng một chiêu thức: Trả lãi suất cho các chủ nợ 2.000 đồng/triệu đồng/ngày rồi cho các con nợ khác vay lại từ 3.000 – 5.000 đồng/triệu đồng/ngày.
Trong các con nợ thì Hồ Thị Sáng (SN 1987) – Trần Văn Mạnh (SN 1979) trú tại xóm 7, xã Quỳnh Thanh là đôi vợ chồng trẻ hơn cả nhưng lại có chiêu thức huy động vốn “hoành tráng, táo bạo” nhất.
Mạnh xây một ngôi nhà 5 tầng cao ngất nghểu, mỗi tầng đắp nổi những hàng chữ cực lớn chiếm gần hết bức tường mặt tiền: “Cà phê Karaoke Ngoại hạng”, “Buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý”, “Thức ăn gia súc tổng hợp”, “Một thế giới di động”… Vợ của Mạnh là Sáng được trời phú cho làn da trắng, dáng người cao ráo, cách ăn nói lọt tai với kiểu kinh doanh “chơi ngông” là điều khiển xe con 4 bánh… chở cám ra trại cho lợn ăn.
Sáng đã huy động khắp trong và ngoài xã số tiền lên đến khoảng hơn 40 tỉ đồng. Thị còn lừa mượn cả bìa đỏ rồi “cắm” để vay tiền. Vào một buổi sáng, người dân ngủ dậy thì nháo nhác, hoảng loạn khi Sáng bỏ lại toàn bộ cơ ngơi mới xây dựng, đưa cả gia đình trốn khỏi địa phương. Một chủ nợ đã cất công truy lùng, qua đó phát hiện vợ chồng Sáng đã mua đất dựng nhà, định cư ở thôn Hiệp Phú, xã Tân Tiến, TX La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Khác hẳn với Hồ Thị Sáng, Phan Thị Truyền (SN 1962) là một nông dân chăm chỉ, chân chất. Vẻ bề ngoài này đã đánh lừa rất nhiều khổ chủ. Mỗi khi nhận tiền của chủ nợ, Truyền trích luôn tiền (được lấy từ chính số tiền khổ chủ cho vay) trả lãi trước cả năm nên họ rất an tâm, tin tưởng.
Cứ đến kỳ vay ngân hàng, Truyền thuê hẳn một xe chở các khổ chủ mang bìa đỏ đến ngân hàng để họ tự làm thủ tục. Khi họ vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng, thị lập tức lấy luôn. Truyền còn sử dụng chiêu bài kêu gọi hùn vốn xây dựng đại lý bán thức ăn và xây dựng hồ nuôi tôm để “cuỗm” tiền của các hộ ngoài xã như ông Hồ Minh T. trú tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch (2.000.000.000 đồng); ông Hồ H. trú tại xã Quỳnh Văn (1.200.000.000 đồng); bà Hoàng Hoa C. trú tại xã Quỳnh Văn (5.500.000.000 đồng)…
Để lấy lòng tin, thị dẫn khổ chủ đến tận các hồ tôm, các mảnh đất mặt tiền để họ được “mục sở thị” sự “giàu có” của mình. Chỉ đến lúc thị trốn khỏi địa phương, các chủ nợ mới ngã ngửa khi biết hồ tôm, đất đai mà thị nhận là của mình đều thuộc về người khác. Tài sản của thị chỉ có 3 gian nhà cấp 4, trong nhà không có vật dụng gì có giá trị.
Hình minh họa |
Hệ lụy
Những ngày này, tại xã Quỳnh Thanh, người dân không còn kêu khóc hay van la. Họ chỉ biết câm lặng, cam chịu vì biết sẽ rất khó lấy lại số nợ. Ngôi nhà của các con nợ đều tan hoang, các vật dụng gia đình, khung cửa, rui xà… đều bị lấy đi.
Có nhiều gia đình, bìa đỏ bị ngân hàng giữ lại, lại bị ngân hàng thúc nợ nên dẫn tới vợ chồng mâu thuẫn. Có người trước đây huy động tiền của anh em, bà con đem cho con nợ vay để lấy lãi, giờ mất trắng nên nội ngoại thân thích mâu thuẫn, mất đoàn kết. Thậm chí có những gia đình không biết bìa đỏ của mình bị “cắm” ở đâu và do ai quản lý. Ngân hàng cũng phải gánh một phần hệ lụy vì nhiều người vay khoản tiền lớn nhưng không có khả năng trả nợ.
Để làm rõ vụ việc, đồng chí Đại tá Trần Thăng Long, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu đã cử một đội công tác phối hợp cùng Công an xã Quỳnh Thanh nắm tình hình địa bàn; đồng thời ra thông báo: Việc cho vay nợ với lãi suất cao tại xã Quỳnh Thanh đã xảy ra trong một thời gian dài, dẫn đến vỡ tín dụng nên cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành liên quan cần tuyên truyền, vận động, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT.
Đây là việc các công dân tự nguyện giao tài sản cho nhau với mục đích thu lợi nhuận, thuộc hành vi hoạt động dân sự, do bộ luật Dân sự điều chỉnh nên hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục gửi đơn lên tòa dân sự huyện để được giải quyết.
Trong thời gian đó, UBND xã Quỳnh Thanh không được xác nhận việc mua bán, chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào của những người liên quan. Công an huyện Quỳnh Lưu tiếp tục thu thập xác minh, khi có đủ căn cứ, dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiếp nhận điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo congannghean.vn
0 Comment on this Article