“Chúng tôi yêu cầu nhân viên đúng 8h phải sẵn sàng ngồi vào bàn họp. Lần thứ nhất họp, một vài bạn đến muộn, kêu vì kẹt xe. Lần thứ 2 họp, tôi dán bảng ngoài cửa: “Ai đến trễ, vui lòng đợi đến giờ giải lao đi vào”. Những người đến muộn chỉ 5 phút cũng phải đợi tới 9h30, 10h mới được vào họp”, ông Nguyễn Đức Tài kể lại câu chuyện khắc phục “tật đi muộn” của nhân viên.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thế giới Di động. Ảnh: Tuổi trẻ.
Giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp của Thế giới Di động hiện có 6 yếu tố. Chỉ để đưa một yếu tố là Integrity (tạm dịch: Nói gì làm nấy) vào công việc mà Thế giới Di động mất tới 2 năm trời, bắt đầu từ một việc rất nhỏ là không đi muộn.
Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thế giới Di động – kể lại câu chuyện khắc phục tật đi muộn của nhân viên như sau.
Khi đã thống nhất chọn nét văn hóa Integrity này để áp dụng, việc đầu tiên ông Tài yêu cầu là lần kế, nếu họp lúc 8h thì các bạn phải sẵn sàng ngồi vào bàn đúng 8h, và cuộc họp sẽ được khởi động.
Lần thứ nhất họp, một vài bạn đến muộn, lấy lý do kẹt xe. Lần đó, ông Tài chấp nhận.
Lần thứ 2 họp, đúng 8h ông Tài khởi động cuộc họp. Đồng thời, dán một tấm bảng ngoài cửa với nội dung: “Ai đến trễ, vui lòng đợi đến giờ giải lao đi vào”.
Những đến đến muộn chỉ 5 phút cũng phải đợi tới 9h30, 10h – đúng giờ giải lao – mới được vào họp.
Sau 1 – 2 tháng, ông Tài yêu cầu ngoài phòng họp dán bảng với nội dung “nặng đô” hơn: “Ai đến trễ xin vui lòng đi về”.
“Họ bị “sút” ra khỏi cuộc họp. Từ đó trở đi, khi tôi nói 8h họp là chắc chắn trước 8h mọi thứ đã sẵn sàng”, ông Tài kể lại.
“Chúng tôi nổi tiếng với đối tác rằng khi nói “Tôi sẽ ăn tối với anh lúc 6h” là chắc chắn đội Thế giới Di động sẽ đến đó lúc 6h kém 15. Và đối tác biết rõ điều này. Hẹn đối tác khác họ cứ trừ hao, nhưng hẹn người của Thế giới Di động phải đến sớm 10 – 15ph vì người của tôi ở đó đầy đủ hết rồi”.
Chia sẻ về cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại hội thảo “Văn hoá doanh nghiệp – Nền tảng hay lực cản” do JCI Hà Nội tổ chức mới đây, ông Tài cho biết 5 năm đầu khởi nghiệp, khi nghe đến văn hóa doanh nghiệp, ông sẽ đút tay vào túi quần và bỏ đi.
“Ban đầu với chúng tôi, sinh tồn quan trọng, sau đó mới nói là sống tốt, sống mạnh mẽ. Chúng tôi tập trung nhiều vào khách hàng. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã mất một số người tài vì chúng tôi không ưu tiên phát triển văn hóa doanh nghiệp”.
“Bây giờ, tôi liên tục nói về nó, dành thời gian cho nó. Đó là niềm tự hào, là sự khác biệt đã góp phần tạo sức mạnh đưa Thế giới Di động phát triển như ngày hôm nay”, ông Tài chia sẻ.
Ông Tài cho rằng, thành công của Thế giới Di động ngày hôm nay kết nối rất nhiều với văn hóa doanh nghiệp, dựa trên 6 giá trị cốt lõi được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
1- Giá trị tận tâm với khách hàng. Khách hàng mới là người đang đem lại cho công ty doanh thu, không phải ông chủ. Ông Tài vẫn thường nói với nhân viên của mình rằng: “Nếu các em không làm theo quy trình mà tận tâm với khách hàng thì không ai rờ được tới các em”.
Nhờ đó, nhân viên có thể bỏ qua quy trình để phục vụ khách hàng nhanh hơn.
2- Trung thực
3- Integrity – Nói gì làm nấy
4- Nhận trách nhiệm
5-Yêu thương và hỗ trợ đồng đội
6-Máu lửa trong công việc
Quay trở lại câu chuyện “đi muộn”, ông Tài chia sẻ một câu chuyện rất vui sau khi tuyển một nhân viên mới từ một công ty thương mại điện tử top đầu Việt Nam.
Sau 3 tháng làm việc, vợ của cậu nhân viên này đến cảm ơn ông Tài.
“Trước đây, nói ổng giờ giấc mệt luôn. Hẹn ông giờ này thì đến giờ đó ông ấy mới lục đục đi thay đồ. Trễ hết giờ này đến giờ kia. Ổng chuyên môn hỏi em: “Trễ có 15ph sao mà em làm lớn chuyện thế”. 3 tháng vào đây mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Tụi em đỡ cãi nhau hẳn luôn, nhờ anh”, ông Tài thuật lại lời kể của người vợ này.
Theo Trí Thức Trẻ
0 Comment on this Article