Vấn đề lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay chính là tạo bước ngoặt quan trọng để cải thiện năng suất, tăng cường nền tảng thể chế. Để làm được điều này, Việt Nam cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước phát triển và có khả năng cạnh tranh hơn.
Nhận định về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, triển vọng và cơ hội nhiều nhưng không dễ nắm bắt và luôn đi cùng với thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.
“Thách thức trước hết đến từ vị thế, năng lực thấp và những trở ngại bên trong của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp Việt Nam” – bà Lan nhận định.
Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong các nước TPP, Việt Nam xếp hạng rất thấp về năng lực thể chế, cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, mức độ phát triển và hoạt động của doanh nghiệp…
Năng suất của khu vực DNNN và tư nhân đều thấp; chỉ số khởi sự kinh doanh thấp. Theo chỉ số kinh doanh toàn cầu GEM 2013, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới chỉ chiếm 24,1%; so với mức trung bình 44,7% ở các nước cùng trình độ.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý của DN Việt Nam còn thấp, đa số là công ty gia đình, tình trạng công nghệ lạc hậu. Hệ thống giải pháp, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ còn thiếu trọng tâm, thiếu nhất quán.
Các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ. Doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về thủ tục hành chính, chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, hành lang pháp lý kém an toàn.
“Việt Nam thiếu vắng các DN có quy mô vừa, nên thiếu tính hiệu quả kinh tế theo quy mô. Vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế” – bà Lan cho biết.
Theo đó, quá trình sản xuất của các DN Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng và khâu sản xuất hàng hóa, dịch vụ; khâu phát triển sản phẩm ít có sự hợp tác.
Mối liên kết ngược và liên kết xuôi còn nhiều hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI với DN trong nước. Tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI.
Bà Lan dẫn chứng, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 21% DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia.
Điều này khiến DN vừa và nhỏ của Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Tỷ lệ xuất nhập khẩu của DN vừa và nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu luôn thấp.
“Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, có thể có tốc độ tăng trưởng cao nhưng điểm xuất phát thấp nên khoảng cách thu nhập vẫn rất lớn” – vị chuyên gia này nhận định.
Theo bà Lan, Việt Nam không dễ tăng cao xuất khẩu sang tất cả 57 nước có FTA , do vậy có thể chuyển hướng thương mại là chính. Việt Nam có thể mất thời cơ do chậm chuẩn bị và các nước khác có thể tham gia TPP hoặc ký kết FTA với EU.
Các FTA mới mang lại cơ hội cho Việt Nam trong cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị.
Thách thức cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gay gắt, nguy cơ bị lấn sân nhà tăng lên. Trong khi đó, thị trường toàn cầu liên tục biến động, cạnh tranh quyết liệt tại các thị trường xuất khẩu, nhiều hàng rào phi thuế và kỹ thuật khó vượt qua.
Vấn đề lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay chính là tạo bước ngoặt quan trọng để cải thiện năng suất, tăng cường nền tảng thể chế. Để làm được điều này, Việt Nam cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân trong nước phát triển và có khả năng cạnh tranh hơn.
“Hội nhập sẽ tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng sẽ đem lại nhiều sức ép để Việt Nam phải cải cách và phát triển. Nhưng có tận dụng được hay không còn phụ thuộc vào chính chúng ta. Thời gian không chờ đợi ai, cơ hội sẽ sớm trôi qua trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và liên tục. Do đó, cần phải hành động ngay” – bà Lan kết luận.
Trí thức trẻ
0 Comment on this Article