Đối thủ của Thegioididong sẽ bán hàng trả góp theo cách ký hợp đồng với các công ty để nhân viên của họ mua sản phẩm trả góp bằng lương tháng. Kênh bán hàng mới này tương đối tiềm năng, khi 30% doanh thu của FPT Retail đến từ mua trả góp
Thị trường chứng khoán sắp có thêm một cổ phiếu ngành bán lẻ khi CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) dự kiến sẽ được niêm yết trong quý 1/2018.
Theo kế hoạch mới được công bố, FPT Retail sẽ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, và đặt kế hoạch niêm yết trước ngày 30/04/2018.
FPT Retail cũng cho biết việc mở mới cửa hàng FPT Shop sẽ không còn là chiến lược trọng tâm kể từ năm 2019. Theo đó, công ty đưa ra 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm mới để tăng doanh thu mỗi cửa hàng.
Thứ nhất, FPT Retail sẽ tập trung cải thiện dịch vụ khách hàng để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tại các FPT Shop. Theo công bố của FPT Retail, trong vòng 2 năm kể từ 2015, chuỗi này đã tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng dịch vụ từ 17% lên 34%. Đáng chú ý, dù tỷ lệ thăm cửa hàng được giữ nguyên ở 67%, FPT Shop đã cải thiện rõ rệt tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm/khách hàng thăm cửa hàng từ 24% lên 44%.
Chiến lược thứ hai của FPT là thúc đẩy tài chính tiêu dùng để tăng doanh số. Hoạt động liên kết với ngân hàng để cho vay tiêu dùng đã được Thegioididong (MWG) triển khai từ năm 2010, hiện tại chuỗi này đang hỗ trợ người dùng vay trả góp từ 3 công ty tài chính.
Tuy nhiên, FPT Retail cho biết sẽ triển khai chính sách tài chính tiêu dùng theo một hướng mới: ký hợp đồng với các công ty để nhân viên các công ty này mua sản phẩm trả góp bằng lương tháng. Kênh bán hàng mới này tương đối tiềm năng, khi 30% doanh thu của FPT Retail đến từ các khách hàng trả góp.
Như vậy, FPT Retail sẽ ký hợp đồng trực tiếp với người mua mà không cần thông qua công ty tài chính. Kênh bán hàng này đã được FPT Retail triển khai từ đầu năm 2017, ghi nhận gần 20.000 đơn hàng và đóng góp 4% doanh thu của FPT Retail.
Chiến lược trọng yếu thứ ba của FPT Retail là nhắm vào thị trường bán hàng online (eCommerce). Đối thủ của FPT Retail là Thegioididong đặt mục tiêu doanh thu bán hàng online tăng gấp đôi trong năm 2017, chiếm 10,5% tổng doanh thu kế hoạch 2017. Trong khi đó, FPT Retail cũng kỳ vọng tỷ trọng này đạt 11,6%.
Với 650.000 lượt truy cập website/ngày và số lượng người theo dõi trên mạng xã hội đạt trên 2 triệu người, FPT Retail đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu online trong cơ cấu doanh thu lên 14,3% trong 3 năm tới.
Trước đó, FPT đã bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital để giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% về 55%, thu về khoảng 39 triệu USD. FPT sẽ bán tiếp 10% cổ phần tại FPT Retail thông qua IPO vào quý 4 để giảm tỷ lệ sở hữu về 45%. Mục đích là để không còn hợp nhất kết quả kinh doanh FPT Retail vào FPT.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ điện thoại lớn thứ hai tại Việt Nam với 438 cửa hàng trên cả nước và chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ ĐTDĐ. Trong 6 tháng đầu năm 2017, FPT Retail đạt doanh thu 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế là 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Theo infonet
0 Comment on this Article