Samsung hiện vẫn đang là hãng smartphone lớn nhất thế giới, tuy nhiên thị phần của Samsung liên tục sụt giảm trong thời gian qua, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Samsung để lấy lại vị thế của mình. Có vẻ như việc quá tập trung vào phần cứng và “bỏ rơi” phần mềm là nguyên nhân của vấn đề.
Samsung vẫn đang đều đặn ra mắt các mẫu smartphone cao cấp Galaxy S, Galaxy Note phiên bản mới mỗi năm, đặc biệt, năm 2015 đã chứng kiến sự “lột xác” trên các mẫu sản phẩm cao cấp của hãng khi được trang bị thiết kế nguyên khối với khung viền bằng kim loại và lớp vỏ bằng kính cường lực, thay vì sử dụng chất liệu vỏ nhựa được đánh giá là “rẻ tiền” như trước đây.
Rõ ràng Samsung đang rất tích cực để thay đổi hình ảnh sản phẩm của mình trên thị trường smartphone, tuy nhiên thực tế cho thấy thị phần Samsung vẫn liên tục sụt giảm trong thời qua, cho dù Samsung vẫn đang là hãng smartphone lớn nhất thế giới. Thị trường smartphone cũng không mang lại cho Samsung khoảng lợi nhuận khổng lồ như trước đây.
Trong 9 tháng đầu tiên của năm 2015, bộ phận di động của Samsung chiếm 39% tổng lợi nhuận của hãng, so với 68% lợi nhuận mà bộ phận này đạt được trong cả năm 2013. Dĩ nhiên, so 9 tháng của năm 2015 so với 12 tháng của cả năm 2013 là khá khập khiễng, tuy nhiên với 3 tháng cuối cùng của năm 2015, rất khó để bộ phận di động của Samsung có thể đạt được tỷ lệ lợi nhuận cao như năm 2013.
Theo dự đoán của các nhà phân tích, năm 2015 sẽ là năm mà lợi nhuận từ bộ phận di động của Samsung thấp nhất kể từ năm 2010, bất chấp năm nay Samsung đã phát hành hàng loạt sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau, từ cao cấp như Galaxy S6, Galaxy S6 Edge, Galaxy S6 Edge+, Galaxy Note 5 đến sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ như Galaxy J hay Galaxy Z…
Theo tiết lộ của các cựu nhân viên và giám đốc, những người đã rời khỏi Samsung, vấn đề của hãng công nghệ Hàn Quốc đó là quá tập trung về việc phát triển phần cứng và doanh số bán hàng của thiết bị trong ngắn hạn, thay vì tập trung níu giữ người dùng dài hạn với một nền tảng phần mềm riêng biệt.
Một cựu nhân viên khác của Samsung tiết lộ rằng Samsung ưu tiên khá thấp việc phát triển phần mềm so với phần cứng, chỉ sử dụng các tính năng phần mềm như một công cụ marketing cho sản phẩm của mình, thay vì sáng tạo ra những tính năng thực sự nổi trội và cần thiết.
“Đội ngũ quản lý cao cấp của Samsung vốn không hiểu được tầm quan trọng của phần mềm. Họ thực sự quan tâm và đầu tư mạnh vào phần cứng. Tuy nhiên, phần mềm lại là một vấn đề hoàn toàn khác”, cựu nhân viên của Samsung chia sẻ.
Có vẻ như bản thân ban lãnh đạo của Samsung cũng đã nhận ra vấn đề này, khi mới đây đã bổ nhiệm Dongjin Koh vào chiếc ghế CEO bộ phận di động của Samsung. Trước đó, Dongjin Koh chính là người đã chịu trách nhiệm phát triển tính năng Samsung Pay, do vậy có thể nói Koh là người phù hợp để giúp Samsung phát triển phần mềm, bên cạnh việc tập trung phát triển phần cứng như hiện nay.
Hiện tại Samsung vẫn đang sử dụng nền tảng Android của Google trên hầu hết các mẫu smartphone của mình, trong số đó tính năng thanh toán qua di động Samsung Pay được xem là tính năng nổi trội và khác biệt của Samsung so với các mẫu smartphone chạy Android khác, tuy nhiên trên thực tế tính năng này lại chưa phổ biến và không thực sự cần thiết với đa số người dùng. Bên cạnh đó,Google cũng phát triển tính năng Android Pay, để mang tính năng tương tự Samsung Pay lên các mẫu smartphone chạy Android khác.
Samsung cũng đã phát triển nền tảng di động Tizen như một cách để thoát khỏi Android và tạo nên một hệ sinh thái của riêng mình, tuy nhiên đến nay Tizen vẫn chỉ là nền tảng được Samsung sử dụng trên các mẫu smartphone giá rẻ, smart TV và các mẫu đồng hồ thông minh của mình. Hơn ai hết, Samsung hiểu rằng tách khỏi Android để phát triển một nền tảng di động riêng nhằm cạnh tranh với Android và iOS trên thị trường smartphone hiện nay là một hành động “tự sát”, khi mà Android lẫn iOS vẫn đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường di động.
“Có những dấu hiệu cho thấy Samsung đang cố gắn thay đổi và công ty nhận ra được sai lầm của mình. Công ty hiện đang đi đúng đường, tuy nhiên nhiều khả năng sự thay đổi này là quá nhỏ và thậm chí là quá muộn”, Chang Sea-jin, Giáo sư của Viện Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc nhận định.
T.Thủy
Báo dân trí
0 Comment on this Article